Rèn luyện kĩ năng giải toán có lời văn cho học sinh lớp 3

Lượt xem:

Đọc bài viết

Rèn luyện kĩ năng giải toán có lời văn cho học sinh lớp 3

 

Toán có lời văn là một bài toán thường gắn với thực tế mà học sinh được tiếp cận ngay lớp 1. Từ lời văn của bài toán, các em phải nhận ra được yếu tố toán học và tìm ra lời giải cùng với phép tính thích hợp. Tác giả bài viết là cô giáo nhiều năm dạy lớp 3.

Học sinh có khó khăn gì khi giải toán có lời văn?

Qua thực tế giảng dạy và thảo luận cùng đồng nghiệp, tôi nhận thấy:

– Học sinh khi giải các bài toán có lời văn thường rất chậm so với các dạng bài tập khác.

– Các em thường lúng túng khi đặt câu lời giải cho phép tính. Có nhiều em làm phép tính chính xác và nhanh chóng nhưng không làm sao tìm được lời giải đúng hoặc đặt lời giải không phù hợp với đề toán đặt ra.

– Dạy học sinh đặt câu lời giải còn vất vả hơn nhiều so với dạy trẻ thực hiện các phép tính ấy để tìm ra đáp số.

– Việc đọc đề, tìm hiểu đề đang còn nhiều khó khăn đối với học sinh lớp 3. Vì kĩ năng đọc thành thạo của các em chưa cao, nên các em đọc được đề toán và hiểu đề còn thụ động, chậm chạp… Một số em mới chỉ đọc được đề toán chứ chưa hiểu được đề, chưa trả lời các câu hỏi thầy nêu: Bài toán cho biết gì? Chúng ta phải tìm gì?

Tìm hiểu các mức độ của học sinh khi giải toán có lời văn

Học sinh đã được dạy về giải toán có lời văn ở lớp 1 và lớp 2. Giáo viên cần có kiểm tra để đánh giá các mức độ của học sinh khi giải toán có lời văn khi học sinh bắt đầu lên lớp 3. Kinh nghiệm cá nhân đã thực hiện việc này, ta có thể thấy có đến 4 mức độ trong một lớp học.

– Mức không đạt:  là những học sinh không xác định được dạng toán, không nắm được quy trình các bước giải và không hiểu được cái gì đã biết và cái gì bài toán yêu cầu phải tìm, không hiểu các thuật ngữ toán học.

– Mức 1:  là những học sinh nắm chưa chắc quy trình các bước giải, đặc biệt về việc hiểu nội dung bài toán, nhận dạng toán, phân tích bài toán, … gặp khó khăn.

– Mức 2:  là những học sinh cơ bản nắm chắc quy trình giải toán có lời văn, song trong quá trình thao tác có những sai sót (lỗi về kỹ thuật tính) nên kết quả chưa cao.

– Mức 3: là những học sinh nắm chắc quy trình giải toán có lời văn.

Dưới đây là kết quả đánh giá của học sinh lớp 3B, trường tiểu học số 1 Ba Đồn, đầu năm học 2015 – 2016:

Các mức độ của học sinh khi giải toán có lời vănCác mức độ của học sinh khi giải toán có lời văn

Các giải pháp để rèn luyện kĩ năng giải toán có lời văn cho học sinh lớp 3

1. Chia sẻ với phụ huynh:

– Trao đổi với phụ huynh những ưu điểm, tồn tại mà các em còn hạn chế như: Học sinh chưa biết xác định dạng toán, chưa có kỹ năng tìm hiểu mối quan hệ giữa cái đã cho và cái cần tìm, một số học sinh thực hiện đúng các bước nhưng tính sai kết quả.

– Trao đổi với phụ huynh học sinh về chỉ tiêu phấn đấu của lớp và những yêu cầu cần thiết giúp các em học tập như: mua sắm đầy đủ sách vở, đồ dùng, cách hướng dẫn các em tự học ở nhà, dành thời gian nhắc nhở, quan tâm cho các em học tập…

– Giải đáp cho phụ huynh những vướng mắc về cách dạy học cho các em. Sách giáo khoa mới còn nhiều kí hiệu, các lệnh, yêu cầu của sách, phụ huynh chưa rõ yêu cầu bài tập. Riêng trong phần bài tập của sách Toán, tôi hướng dẫn phụ huynh cách dạy các em luyện nêu miệng các đề toán, luyện nói và trả lời các câu hỏi thường gặp.

2. Chuẩn bị cho việc giải toán:

– Giáo viên phải có thiết kế cụ thể rõ ràng, nó sẽ quyết định lớn đến chất lượng giờ dạy và đồng thời giáo viên cũng là người tổ chức, hướng dẫn thiết kế cho từng học sinh trong lớp.

– Giáo viên thường hướng dẫn học sinh giải theo quy trình: Cho học sinh đọc và nắm nội dung bài toán > Hỏi học sinh để tóm tắt bài toán (Bài toán cho biết gì? Bài toán hỏi gì ?) > Nêu câu hỏi để phân tích bài toán > Nêu câu hỏi để lập kế hoạch giải.

– Mục tiêu giúp học sinh nắm được các dạng toán cơ bản ở học kỳ I như:

+ Tìm một trong các phần bằng nhau của một số.

+ Gấp một số lên nhiều lần.

+ Giảm một số đi một số lần.

+ Bài toán giải bằng hai phép tính…

– Giúp học sinh biết trình bày bài giải theo thứ tự: Lời giải, phép tính, đáp số.

3. Những điều lưu ý:

– Để giúp cho học sinh có kĩ năng thành thạo trong việc giải toán thì chúng ta không chỉ hướng dẫn học sinh trong giờ toán mà một yếu tố không kém phần quan trọng đó là luyện kĩ năng nói trong giờ dạy.

– Các em đã là học sinh lớp 3 song còn rụt rè trong giao tiếp. Chính vì vậy, để các em mạnh dạn tự tin khi phát biểu, trả lời người giáo viên cần phải: luôn luôn gần gũi, khuyến khích các em giao tiếp, tổ chức các trò chơi học tập, được trao đổi, luyện nói nhiều trong các giờ Tiếng việt giúp các em có vốn từ lưu thông; trong các tiết học các em có thể nhận xét và trả lời tự nhiên, nhanh nhẹn mà không rụt rè, tự ti.

– Bên cạnh đó, người giáo viên cần phải chú ý nhiều đến kĩ năng đọc cho học sinh: Đọc nhanh, đúng, tốc độ, ngắt nghỉ đúng chỗ giúp học sinh có kĩ năng nghe, hiểu được những yêu cầu mà các bài tập nêu ra.

4. Các bước rèn luyện học sinh:

– Giúp học sinh nắm nội dung bài toán bằng cách định hướng cho học sinh đọc kĩ bài toán : Tìm hiểu các yếu tố lời văn phi toán học trong bài toán, những nội dung lời văn mang yếu tố toán học và xác định dạng bài toán (Ví dụ: Gấp một số lần, kém hơn, bằng…). Từ đó giúp học sinh dễ dàng trong tiếp cận nội dung bài toán có lời văn.

– Giúp học sinh tóm tắt bài toán: Ở bước này nên để học sinh tự tóm tắt bài toán. Có như vậy học sinh mới xác lập được các yếu tố toán học trong bài toán và mối liên quan của các điều kiện cho biết và cái phải tìm. Giáo viên cần phân tích rõ cho học sinh khi các em tóm tắt sai hoặc không đầy đủ.

– Giúp lập lời giải và phép tính là nội dung quan trọng nhất trong quy trình giải toán. Chỉ có nhận thức đầy đủ các bước tiếp đó học sinh mới thực hiện tốt việc lập lời giải và phép tính. Giáo viên cần định hướng cho học sinh mỗi lời giải và phép tính là một bước đi tuần tự hợp lý của việc thực hiện kế hoạch giải bài toán.

– Để củng cố tốt cho học sinh, ngoài các thí dụ trong sách giáo khoa, giáo viên cần có những bài tương tự (không khó hơn) để học sinh được thực hành giải nhiều hơn và từ đó nắm chắc hơn, tự tin hơn.

5. Thí dụ minh hoạ

Thí dụ 1. (Bài 4 trang 56) Có ba thùng dầu, mỗi thùng chứa 125l, người ta đã lấy ra 185l dầu từ các thùng đó. Hỏi còn lại bao nhiêu lít dầu?

Trước hết cần thiết kế mạch lạc quá trình giải toán:

– Kế hoạch giải : Tìm số dầu của cả 3 thùng→ Tìm số dầu còn lại.

– Trình tự đúng ở đây là tuần tự xuôi theo kế hoạch giải đã phân tích: tính tổng số dầu trước > tìm số dầu còn lại. Nếu đi sai tuần tự đó thì bài toán không giải được.

– Căn cứ kế hoạch giải để thực hiện:

+ Đặt lời giải thứ nhất : Số dầu của 3 thùng là :

Sau đó viết phép tính :             125 x 3 = 375 (l)

+ Đặt lời giải thứ hai:   Số dầu còn lại là :

Sau đó viết phép tính   :       375 – 185 = 190 (l)

Như vậy, học sinh sẽ thiết lập được mối quan hệ giữa lời giải và phép tính. Đây là yêu cầu cơ bản khi thực hiện trình bày bài giải toán có lời văn.

Thực hiện kế hoạch trên lớp:

– Cần nêu câu hỏi gợi mở để học sinh nhận biết trong bài toán có lời văn đâu là lời văn có chứa yếu tố toán học, đâu là lời văn không chứa yếu tố toán học. Nhằm tạo điều kiện cho học sinh nắm chắc nội dung bài toán. Sau khi hiểu nội dung bài toán, học sinh biết gạt bỏ những yếu tố phi toán học để nhận ra cốt lõi (nhân) của bài toán để tóm tắt bài toán dưới những hình thức thích hợp:

– Hướng dẫn học sinh tóm tắt bài toán:

+ Bài toán cho biết điều thứ nhất là gì? 3 thùng : Mỗi thùng 125 l .

+ Bài toán còn cho biết điều gì? Đã lấy:185 l

+ Bài toán yêu cầu điều gì? Số dầu còn lại. Còn:    …l ?

– Khi hướng dẫn học sinh giải bài toán trên: Giáo viên nêu câu hỏi

+ Muốn biết còn lại bao nhiêu lít dầu trước hết ta cần biết điều gì? Số dầu có ban đầu (tổng số dầu của 3 thùng).

+ Tìm số dầu của 3 thùng bằng cách nào? 125 x 3 = 375( l )

+ Có tổng số dầu rồi muốn tìm số dầu còn lại ta làm thế nào? 375 – 185 = 190( l )

Như vậy, bằng các hình thức trên, giáo viên giúp học sinh tư duy, động não, tư duy độc lập, dần dần tạo được phương pháp học tập, ghi nhớ của học sinh. Đặc biệt tạo hứng thú khám phá sáng tạo của học sinh trong học tập giải toán có lời văn.

Lưu ý phân tích rõ cho học sinh

– Xác định căn cứ để lập lời giải:

+ Căn cứ vào câu hỏi của bài toán.

+ Căn cứ vào kế hoạch giải bài toán đã lập.

+ Căn cứ vào yêu cầu tìm những dữ kiện chưa biết hoặc kết quả cần tìm.

– Những dự kiện chưa biết cần tìm để trả lời câu hỏi cuối cùng của bài toán hay nói cách khác phục vụ tìm đáp số cuối cùng.

– Nội dung lời giải mô tả định tính mục đích thực hiện phép tính.

 

Ở học sinh lớp 3 là các em đã có óc khái quát cơ bản phát triển. Vì vậy, việc tìm phép tính đặt lời giải là hợp lôgic tư duy khoa học.

Thí dụ 2. (Bài 3 trang 58) Thu hoạch ở thửa ruộng thứ nhất được 127kg cà chua, ở thửa ruộng thứ hai được nhiều gấp ba lần số cà chua ở thửa ruộng thứ nhất. Hỏi thu hoạch ở cả hai thửa ruộng được bao nhiêu ki-lô-gam cà chua?

Các bước thực hiện trên lớp

– Yêu cầu học sinh đọc kĩ đề bài. Tóm tắt bài toán bằng cách vẽ sơ đồ hoặc tóm tắt bằng lời để tìm ra cách giải. Học sinh thực hiện được như sau:

Tóm tắt:

Thửa ruộng thứ nhất:     127kg

Thửa ruộng thứ hai :   gấp ba

Cả hai                     : …….kg?

– Cách 1:                                      Bài giải

Số ki-lô-gam cà chua thu được của thửa ruộng thứ 2 là:

127 x 3 = 381 (kg)

Số ki-lô-gam cà chua thu được của cả hai thửa ruộng là:

127 + 381 = 508 (kg)

Đáp số: 508 kg.

Giáo viên khắc sâu dạng toán cho học sinh: Bài toán này thuộc dạng toán gì? (gấp một số lên nhiều lần và tìm tổng của hai số).

– Cách 2: Nhìn vào tóm tắt có em giải như sau:

Bài giải

Số ki-lô-gam cà chua thu được của cả hai thửa ruộng là:

127 x 3 + 127 = 508 (kg)

Đáp số: 508kg.

– Qua hai cách giải của học sinh giáo viên giải thích cho học sinh biết: thực ra cách 2 cũng chính là cách 1 nhưng gộp hai phép tính lại thành một phép tính.

– Giáo viên có thể gợi ý học sinh tóm tắt bằng sơ đồ đoạn thẳng và tìm cách giải khác. Giáo viên cho học sinh nhận xét:

+ Số cà chua ở thửa ruộng thứ nhất biểu thị mấy phần? (1 phần)

+ Số cà chua ở thửa ruộng thứ hai biểu thị mấy phần? (3 phần)

+ Số cà chua cả hai thửa ruộng biểu thị mấy phần? (4 phần)

Rèn luyện kĩ năng giải toán có lời văn cho học sinh lớp 3

– Giáo viên hướng dẫn: Nhìn vào sơ đồ các em hãy tìm cách giải khác cho bài toán. Từ đó học sinh có lời giải khác:

Bài giải

Tổng số phần bằng nhau là:

1 + 3 = 4 (phần)

Số ki-lô-gam cà chua thu được của cả hai thửa ruộng là:

127 x 4 = 508 (kg)

Đáp số: 508kg.

– Giáo viên cần nhắc nhở học sinh: Với từng bước giải học sinh phải chú ý tên đơn vị của mỗi phép tính. Từ đó giúp học sinh nắm chắc đề toán, hiểu kỹ đề, tìm nhiều cách giải khác nhau giúp học sinh phát triển tư duy toàn diện.

Kết luận

Trong quá trình giảng dạy, mỗi giáo viên chúng ta cần suy nghĩ để xác định cho mình những công việc cần làm để chất lượng truyền thụ kiến thức, rèn luyện kĩ năng cho học sinh đạt hiệu quả hơn. Những chia sẻ trên chỉ là những tìm tòi suy nghĩ cũng như những gì mà tác giả đã thực hiện và có kết quả tốt. Trước khi dừng bài viết, tác giả muốn chia sẻ những điều mà mình thấy có ý nghĩa:

– Dạy giải toán có lời văn cho học sinh là phương pháp dạy học mang tính tư duy khoa học và hệ thống kiến thức xuyên suốt ở các lớp.

– Dạy giải toán có lời văn cho học sinh cần tuân thủ quy trình và hệ thống nhận thức khoa học. Chú trọng việc phân tích bài toán giúp học sinh tìm ra mối quan hệ giữa các số liệu trong bài toán, từ đó nhận ra kiến thức cần sử dụng để giải bài toán.

– Dạy giải toán có lời văn hướng tới đích cuối cùng là giúp học sinh đặt lời giải đúng, phép tính đúng đi đến kết quả đúng.